VĂN HÓA - XÃ HỘI
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Từ đầu năm đến ngày 28/8/2023, theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, toàn thành phố đã ghi nhận gần 2.800 trường hợp sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết năm nay xuất hiện sớm và có diễn biến phức tạp. Bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh.
Trên địa bàn huyện, từ đầu năm đến nay đã có 296 ca mắc sốt xuất huyết tại 16/16 xã, thị trấn. Trong tuần qua, số ca mắc mới có xu hướng tiếp tục tăng, trong tuần đã ghi nhận 69 ca mắc mới trên địa bàn. Huyện và các xã, thị trấn đã triển khai những biện pháp để phòng chống dịch như: thực hiện tổng vệ sinh môi trường, trang bị máy phun thuốc muỗi để chủ động trong công tác phun khử khuẩn, phun hóa chất diệt muỗi khi xuất hiện ổ dịch mới hoặc nơi có nguy cơ cao, mua sắm thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch (đèn pin, thuốc abate, cá...)…


Trong thời gian tới, Huyện Đan Phượng chú trọng thực hiện tốt các giải pháp để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả.
Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp Đảng ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong công tác phòng chống dịch. Thực hiện tổng thể các biện pháp dập ổ dịch nhanh, kịp thời trọng tâm là chỉ huy tổng vệ sinh môi trường, triển khai chiến dịch phun diện rộng.
Thứ hai, Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động và đặc biệt là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên hệ thống mạng xã hội Facebook, Zalo.
Thứ ba, Tăng cường công tác tổng Vệ sinh môi trường hàng tuần tại các thôn, cụm, ngõ, các hộ gia đình, đặc biệt tập trung triệt để xử lý ổ dịch mới phát sinh, nơi ở của các ca mắc mới. Thực hiện các biện pháp: thả cá, mắc màn bể nước nhằm tăng cường hiệu quả việc phòng chống dịch Sốt xuất huyết, diệt bọ gậy.
Thứ tư, Kiên quyết chỉ đạo Vệ sinh môi trường để chỉ số BI ở mức an toàn với biện pháp thông báo từng tuần chỉ số BI của các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đối với những nơi có nguy cơ cao. Tái kiểm tra, giám sát lấy kết quả vệ sinh môi trường giảm chỉ số côn trùng BI để đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng chống dịch Sốt xuất huyết.
Thứ năm, Chủ động bồi dưỡng, tập huấn và bổ sung nhân lực cho công tác phòng chống dịch và chủ động cơ số vật chất, trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ - Nhân lực tại chỗ - Trang thiết bị, hậu cần tại chỗ - Kinh phí tại chỗ.
Thứ sáu, Tiếp tục chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học và đơn vị trực thuộc tăng cường phổ biến, giáo dục trong học sinh, sinh viên và phụ huynh, nêu cao ý thức, hành động giữ vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, vệ sinh cá nhân, ngủ màn tránh muỗi đốt... chủ động phòng tránh các nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác.