VĂN HÓA - XÃ HỘI
Việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học không phải mới nhưng vẫn luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ quan quản lý và các bậc phụ huynh.
Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Đan Phượng đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn kỹ năng đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học nhằm đảm bảo ATTP cho học sinh.
Chất lượng ATTP liên quan cả quá trình từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, nên đòi hỏi có tính liên ngành cao và là công việc của toàn dân.
Việc đảm bảo ATTP trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc chế biến thực phẩm cho học sinh ăn hàng ngày ở trường, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Thực phẩm sạch an toàn thì bữa ăn mới ngon miệng giúp các em phát triển thể lực, trí tuệ.
Trong chế biến thực phẩm, các trường nên thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, với khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống và khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được bố trí tách biệt để đảm bảo ATTP.
Cần thực hiện ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đầu mối có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP.
Thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày theo quy định. Nhà trường có hồ sơ quản lý công tác ATTP chặt chẽ; Ban giám hiệu kiểm tra, giám sát bếp ăn hàng ngày.
Các bếp ăn tập thể tại trường học phải có hợp đồng nấu ăn cho học sinh với nhân viên cấp dưỡng được đào tạo chứng chỉ nghề nấu ăn. Các cơ sở tổ chức ăn bán trú thực hiện việc mua thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm thực hiện tốt quy trình, chế biến thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, trước và trong năm học, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Đan Phượng đều duy trì việc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về ATTP cho đội ngũ cán bộ quản lý và phụ trách bếp ăn của các cơ sở giáo dục về các nội dung như Luật ATTP; quy định lưu mẫu thức ăn trong các bếp ăn tập thể; quy định thực hiện “Bếp ăn 1 chiều”; cách thức quản lý các loại hồ sơ, sổ sách liên quan và công tác quản lý bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra giám sát các trường học có tổ chức ăn bán trú định kỳ, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận bếp ăn đảm bảo ATTP; tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành về ATTP nhằm chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm công tác ATTP trường học.
Phối hợp chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATTP và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm trong các trường học.
*Đối với học sinh:
- Hiểu được ATTP rất quan trọng đối với đời sống con người, biết giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thông qua các giờ học tích hợp, vui chơi, ca dao, đồng dao…
- Biết được một số lao động để giữ vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh môi trường như: không vứt rác, khạc nhổ nơi công cộng, biết bỏ rác đúng nơi quy định, vệ sinh lớp học hàng ngày… và biết được công tác giữ vệ sinh rất quan trọng đối với sức khỏe con người.
- Trẻ luôn có ý thức và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.
* Đối với các bậc cha mẹ học sinh:
- Tất cả các bậc cha mẹ học sinh đồng tình ủng hộ về cách giữ vệ sinh và phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn xảy ra trong nhà trường. Đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục trẻ biết giữ vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân và cùng nhau làm tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
- Thêm vào đó, không chỉ trong phạm vi trường học, vấn đề đảm bảo ATTP của những gánh hàng rong trước cổng trường cũng được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Các trường học cần phối hợp mạnh mẽ hơn với lực lượng công an địa phương để siết chặt quản lý, nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh.