TIN TỨC KHÁC
Năm 2023 đánh dấu một năm đầy nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội trong công tác cải cách hành chính, với nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả cải cách hành chính được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao, chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) năm 2023 của Thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thành phố xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng rà soát, công bố, công khai các thủ tục hành chính, xây dựng các quy trình liên thông thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc hành chính (ngoài phạm vi thủ tục hành chính); số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. UBND Thành phố đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 122 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực, đạt tỷ lệ trên 20% thủ tục hành chính được đơn giản hóa. Theo đánh giá, ngoài việc rà soát, đơn giản hóa cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC còn cắt giảm thành phần hồ sơ đã phần nào giúp tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC. Tính đến 30/11/2023, số hồ sơ, TTHC tiếp nhận toàn Thành phố 2.060.893 hồ sơ, trong đó: số hồ sơ đã giải quyết: 1.996.534 hồ sơ; số hồ sơ đang giải quyết: 64.359 hồ sơ. 100% các quyết định công bố danh mục TTHC, kết quả giải quyết TTHC đã được công khai trên Cổng DVC Quốc gia và được các cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC công khai tại Bộ phận Một cửa theo quy định.
Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến. Thực hiện nhiệm vụ tích hợp TTHC lên Cổng DVC quốc gia. Năm 2023, Thành phố xác định: 1191 TTHC/1889 TTHC đủ điều kiện thực hiện DVC trực tuyến toàn trình và một phần; phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 110 TTHC được lựa chọn xây dựng DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Về cơ bản các Sở, ngành đã hoàn thành việc khai báo, cấu hình lên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố để phục vụ việc cung cấp DVC trực tuyến theo quy định; tích cực hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình điện tử cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và một phần. Tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị (PAKN) về TTHC và đánh giá chất lượng giải quyết TTHC. Kết quả, trong năm 2023, tổng số phản ánh, kiến nghị (PAKN) đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo là trên 6.134; số PAKN đã xử lý là 6.134 (đạt 100%).
Thành phố tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu CCHC. Theo đó, giảm 06 chi cục thuộc Sở; giảm đầu mối bên trong chi cục 52 đơn vị; giảm 16 trạm thuộc đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục tập trung rà soát sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Qua rà soát, toàn Thành phố có 173 đơn vị hành chính cấp xã cần phải sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội. Dự kiến sau sắp xếp, giảm còn 509 đơn vị hành chính cấp xã. Năm 2023 đã giảm trên 2.300 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước so với năm 2022 (đạt tỉ lệ 2%); 136 trường hợp được tinh giản theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương; cơ quan nào đủ điều kiện thực hiện tốt nhất thì giao việc đi đối với tăng cường, kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, Thành phố đã tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Đây là một trong những nội dung đột phá, nhiệm vụ trọng tâm cải cách công vụ của Thành phố để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là đội ngũ lãnh đạo quản lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được Thành phố tập trung từng bước đổi mới từ hình thức đến nội dung.
Thành phố xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC. Thành phố đã đưa vào và vận hành chính thức 04 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: (1) Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; (2) Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; (3) Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; (4) Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự đảng UBND Thành phố, UBND Thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ. Đẩy mạnh kê khai thuế điện tử, kết quả 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; triển khai ứng dụng eTax Mobile trên thiết bị thông minh của người nộp thuế với tổng số lượng tài khoản sử dụng là trên 183.000..; triển khai các nhiệm vụ về việc cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đạt 99,99%; hệ thống thông tin báo cáo, triển khai cấp chữ ký hơn 39 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện TTHC, giao dịch điện tử; thực hiện tiếp nhận phản ánh, kiến nghị qua kênh Zalo với 425 phản ánh kiến nghị.
Có thể nhận thấy, năm 2023 đánh dấu một năm đầy nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội trong công tác cải cách hành chính, với nhiều chuyển biến tích cực được đông đảo nhân dân Thủ đô đồng tình, ủng hộ. Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kỳ vọng về một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ sẽ ngày càng thực chất, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.