KINH TẾ - CHÍNH TRỊ KINH TẾ - CHÍNH TRỊ

Tín dụng chính sách xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đan Phượng
Ngày đăng 25/09/2023 | 07:56  | Lượt xem: 344

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ, Chương trình số 07-CTr/HU ngày 08/02/2021 của Huyện ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021-2025. Đến hết năm 2022, huyện Đan Phượng có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 03 xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023.

Ngân hàng CSXH giao dịch tại điểm giao dịch xã Thượng Mỗ

Đóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện. Các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, và các đối tượng chính sách khác ... Nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các chương trình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo việc làm cho các lao động tại nông thôn,.. từng bước nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Tính đến 31/8/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 445 tỷ đồng với 9.000 hộ được vay vốn. Trong cơ cấu dư nợ có 2 chương trình tín dụng chiếm dư nợ lớn là chương trình cho vay Giải quyết việc làm đạt trên 336 tỷ đồng, chiếm trên 75% tổng dư nợ, đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 7.000 lao động; chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt gần 100 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 22%, hỗ trợ trên 5.000 hộ gia đình xây dựng, cải tạo được trên 10.000 công trình đạt tiêu chuẩn Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.​

Hộ gia đình vay vốn NHCSXH sản xuất mộc tại xã Liên Trung

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng được thụ hưởng; các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng; giảm thời gian giao dịch tín dụng, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay. Việc cho vay vốn qua Tổ TK&VV đã làm tăng sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm; giúp các hộ gia đình hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân tại các xã nông thôn mới đã đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập,...
Trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đan Phượng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày; Kết luận số 06-KL/TW  của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn... góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện./.