GIỚI THIỆU CHUNG GIỚI THIỆU CHUNG

Giới thiệu
Ngày đăng 20/11/2015 | 00:00  | Lượt xem: 30888

Mùa xuân năm 40 thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc Đông Hán, nhân dân Đan Phượng đã đứng lên tụ nghĩa theo sự chỉ huy của Bà Sa Lãng (Kẻ Dày), tướng quân Lôi Chấn, Hải Diệu (Kẻ Phùng, Kẻ Thón) xuất quân chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công góp phần vào thắng lợi Đan Phượng là một trong 29 quận, huyện của thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp quận Bắc Từ Liêm, phía Bắc giáp huyện Mê Linh có dòng sông Hồng cắt ngang làm ranh giới, phía Tây giáp huyện Phúc Thọ, phía Nam giáp huyện Hoài Đức; tổng diện tích tự nhiên là 77,35km­­­; cơ cấu hành chính gồm 15 xã và 01 thị trấn, 120 thôn, cụm dân cư, 06 tổ dân phố, dân số năm 2012 trên 156.000 người.

Đan Phượng là một vùng đất cổ, căn cứ kết quả khảo cổ học các di chỉ ở Bá Nội - xã Hồng Hà và Ngọc Kiệu - xã Tân Lập cho thấy mảnh đất Đan Phượng đã có vào giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên (đầu thời đại đồ đồng) cách ngày nay khoảng 3500 năm đến 4000 năm.

Đan Phượng nghĩa là Con chim phương đỏ. Theo sách Đại Nam nhất thống trí, tên huyện có từ thể kỷ XIII (thời vua Trần Thái Tông - 1246); đến thời thuộc Minh có tên là Đan Sơn, thuộc châu Từ Liêm, phủ Giao Châu. Sang thời Hậu Lê, Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến năm 1888, huyện Đan Phựợng được thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sau Cách mạng tháng 8 đến 1954, Đan Phượng có lúc thuộc tỉnh Hà Nội, có thời gian lại thuộc tỉnh Hà Đông. Sau hoà bình lập lại, Đan Phượng trải qua rất nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, khi thuộc về Hà Sơn Bình, lúc thuộc về tỉnh Hà Tây… đến ngày 1 tháng 8 năm 2008, theo Nghị quyết 15-NQ/QH của Quốc hội, huyện Đan Phượng thuộc thành phố Hà Nội.

Là mảnh đất nằm ở cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, Huyện Đan Phượng được biết đến là một vùng đất "địa linh nhân kiệt", một địa bàn chiến lược quan trọng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhân dân Đan Phượng có truyền thống đoàn kết, hiếu học, lao động cần cù sáng tạo, giàu tình yêu quê hương đất nước và ý chí kiên cường cách mạng. Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh quê hương, đất nước.

của cuộc khởi nghĩa giành độc lập.

Từ thế kỷ thứ VI (557-570), vua Lý Nam Đế xây thành Ô Diên (vùng Hạ Mỗ) đặt làm kinh đô của nước Vạn Xuân. Đây là một trong 3 toà thành (Ô Diên, Cổ Loa, Long Biên) thuộc 3 khu vực phòng thủ chiến lược của nhà nước Vạn Xuân ở đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Đan Phượng là nơi sinh ra danh nhân Tô Hiến Thành, làm quan dưới 3 triều vua, giữ trọng trách Thái uý dưới hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông (TK XII). Ông là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hoá kiệt xuất của vương triều Lý, văn võ kiêm toàn, đạo cao đức trọng. Ông là tấm gương nổi tiếng chính trực, liêm khiết và tài ba.

Nhân dân Đan Phượng có truyền thống hiếu học từ xa xưa, lịch sử khoa cử chế độ phong kiến đã ghi danh 15 vị là người Đan Phượng đậu Tiến sỹ, được ghi danh ở Bia Văn Miếu Quốc tử giám và Văn Miếu kinh thành Huế. Nhiều vị có công đóng góp xây dựng nên nền văn hoá Thăng Long văn hiến. Ngày nay, Đan Phượng có hàng nghìn người là Cử nhân, Tiến sỹ, Giáo sư đã và đang góp phần tri thức khoa học của minh vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đan Phượng là nơi hoạt động bí mật của cơ quan Báo Cứu quốc và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, phát hành số báo ra lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh in ở Đan Phượng được phát hành đi khắp nơi, kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên phá tan xích xiềng nô lệ, giành lại độc lập và chủ quyền về tay nhân dân. Đan Phượng cũng là địa điểm dừng chân duyệt quân của Trung đoàn Thủ đô do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy sau khi hoàn thành sứ mệnh 60 ngày đêm anh dũng chiến đấu bảo vệ Hà Nội mùa đông năm 1946 trước khi lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới, nhân dân Đan Phượng một lòng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp biết bao sức người, sức của cho kháng chiến. Lịch sử còn ghi chiến thắng Chợ Gốc Ngô ở Trung Châu, sự kiện "Ba ngày năm trận" ở vùng Gối đã góp phần vào chiến thắng chung của cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn người con Đan Phượng hăng hái tòng quân tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Ở hậu phương cũng ra sức thi đua, lao động sản xuất tất cả "vì miền Nam ruột thịt", "Tất cả cho tiền tuyến", sẵn sàng "tay cày, tay súng" chiến đấu bảo vệ quê hương. Hình ảnh 9 dũng sỹ Đập Phùng không kể hiểm nguy duới làn mưa đạn của kẻ thù anh dũng chiến đấu và hy sinh bên ngọn pháo quyết tâm bảo vệ công trình đập Đáy ngày 28/4/1967 đã để lại bao cảm xúc cho mỗi người dân Đan Phượng, càng làm tăng thêm ý chí quyết tâm đánh giặc.

Mảnh đất Đan Phượng còn được nhân dân cả nước biết đến là nơi khởi nguồn phong trào phụ nữ Ba Đảm đang ở giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày 18-3-1965, phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" do Bác Hồ đặt tên được Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, trên mọi lĩnh vực hoạt động; biến tiềm năng cách mạng của phụ nữ thành hiện thực sinh động, thành nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược thống nhất nước nhà. Huyện Đan Phượng đã xây dựng tượng đài kỷ niệm phong trào phụ nữ ba đảm đang để ghi dấu sự kiện lịch sử và tri ân những chị em phụ nữ Việt Nam, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ Đan Phượng. Kết thúc các cuộc kháng chiến, Đan Phượng có 2586 Liệt sỹ, 281 Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt nam Anh hùng, 1051 thương binh, bệnh binh, hàng nghìn thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến… đã hy sinh một phần xương máu, 04 Liệt sỹ được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều tấm gương tiêu biểu anh dũng chiến đấu vì độc lập dân tộc.

Với vị trí chiến lược quan trọng, Đan Phượng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm 5 lần: ngày 23/7/1959 thăm xã Liên Trung, ngày 25/11/1961 thăm xã Song Phượng, ngày 22/5/1962 thăm xã Tân Lập, ngày 17/7/1962 thăm công trình Đập Đáy và trạm bơm Đan Hoài, ngày 26/8/1965 thăm đơn vị tên lửa bảo vệ đập Phùng; các đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trường Trinh, Trương Tấn Sang, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về thăm và chỉ đạo các phong trào xây dựng mô hình điểm về thâm canh lúa cao sản, ngô cao sản, làm bèo hoa dâu, làm thủy lợi. Đan Phượng là huyện đầu tiên xây dựng cánh đồng đạt 5 tấn rồi 10 tấn/ héc ta, là địa điểm tham quan, học tập kinh nghiệm thâm canh năng suất lúa cho nhiều địa phương trên cả nước. Năm 2000, Chủ tịch nước phong tặng huyện Đan Phượng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2013 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Các xã Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xã Đan Phượng được phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Đan Phượng còn biết đến là nơi sản sinh ra nhiều loại hình văn hoá dân gian độc đáo và địa chỉ của nhiều di tích lịch sử văn hoá quý giá của quốc gia như ca trù ở xã Thượng Mỗ, vật truyền thống ở xã Hồng Hà, thổi cơm thi, bơi chải ở Đồng Tháp, hát chèo tàu ở Tân Hội, hội thả diều ở Bá Giang…Đan Phượng có 149 di tích được kiểm kê, trong đó có 67 di tích đã được xếp hạng, nhiều di tích có giá trị văn hoá, nghệ thuật cao như đình Đại Phùng, đền Văn Hiến, chùa Hải Giác… Hệ thống di sản này đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, di dưỡng lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại và giáo dục truyền thống, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Đan Phượng không ngừng phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển toàn diện, bền vững, từng bước hiện đại về kinh tế-xã hội, giữ ổn định chính trị - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể trong sạch vững mạnh, giành được nhiều thành tích to lớn. Về kinh tế, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá: Công nghiệp - Xây dựng = 49,51%, Thương mại - Dịch vụ = 39,51 %, Nông nghiệp - thuỷ sản = 10,98%, xu hướng trong những năm tới cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm qua đạt 16,94%, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 23,5 triệu đồng. Công tác xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu năm 2015, 15/15 xã đạt chuẩn, là huyện đầu tiên hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ vượt bậc, bám sát nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng, thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đạt nhiều kết quả, đến nay có 49 làng, 03 tổ dân phố, 53 cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa. 72 làng, khu phố, cụm dân cư có nhà văn hoá, là huyện có tỷ lệ nhà văn hoá, thôn cụm dân cư đứng đầu các huyện ngoại thành. Công tác Giáo dục - Đào tạo phát triển toàn diện, thực chất, cơ sở vật chất trường học được tăng cường đầu tư, chất lượng giáo dục được nâng cao, đạt được nhiều thành tích quan trọng. 100% trường lớp THPT, THCS, Tiểu học và Mầm non được xây dựng hiện đại, có 35 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế, dân số - KHHGĐ được các cấp thường xuyên quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố. Bệnh viện đa khoa huyện được công nhận bệnh viện hạng 2, Trung tâm Y tế được đầu tư khang trang từng bước hiện đại. Thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ, giảm tỷ lệ sinh hàng năm 0,3%o, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,5%.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, lao động việc làm, bảo trợ xã hội được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, hàng năm đều thực hiện tốt các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với Cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo… Đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp gần 400 nhà tình nghĩa, nhà ở xuống cấp hư hỏng nặng cho gia đình chính sách người có công và hộ nghèo. 100% hộ chính sách, người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của địa phương. Huyện tập trung đầu tư kinh phí và xã hội hoá với số tiền trên 200 tỷ đồng để nâng cấp 7/7 nghĩa trang liệt sỹ và xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ, Nhà truyền thống, Thư viện, Công viên cây xanh của huyện.

Công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang bộ mặt nông thôn thực hiện tốt, là điểm sáng trong các huyện ngoại thành về xây dựng hồ, ao môi trường, thu gom xử lý, chế biến rác thải. Huyện uỷ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-HU về việc tăng cường lãnh đạo xây dựng chỉnh trang hạ tầng thôn, phố xanh- sạch- đẹp trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2011-2015; Chỉ thị 22/CT-HU về tăng cường lãnh đạo xây dựng nếp sống văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa trên địa bàn huyện.

Tình hình nông thôn tiếp tục giữ được ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh. Hàng năm, công tác quốc phòng, quân sự địa phương đều hoàn thành tốt kế hoạch. Công tác huấn luyện, diễn tập chiến đấu, xây dựng lực lượng bộ đội địa phương sẵn sàng chiến đấu, tham gia phòng chống thiên tai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng chỉ tiêu đựợc giao.

Hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng bộ và nhân dân Đan Phượng luôn luôn kiên định con đường cách mạng và độc lập dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết, khơi dậy truyền thống yêu nước, ý thức làm chủ, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng và thế mạnh, tự tin vững bước tiến vào TK XIX với ý chí và quyết tâm xây dựng trở thành huyện: Giàu mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, phát triển văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.