VĂN HÓA - XÃ HỘI
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng đã thực hiện hiệu quả mô hình thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh tại cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên
Với định hướng phấn đấu xây dựng mô hình “Thôn thôn minh”, nền tảng là các “Tổ tự quản thông minh” và những “Công dân số”, các thôn, các tổ tự quản và người dân sẽ là nơi trực tiếp tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động, đời sống cho người dân nông thôn. Huyện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 27/9/2022 về xây dựng mô hình Thôn, Cụm dân cư, Tổ dân phố thông minh trên địa bàn huyện. Tổ chức phát động, xây dựng điểm mô hình thôn thông minh tại xã Song Phượng và nhân rộng trong toàn huyện. Triển khai mở tài khoản khóa học Bồi dưỡng về chuyển đổi số cho Lãnh đạo UBND cấp xã do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố gồm bí thư, trưởng thôn, đại diện chi hội, chi đoàn là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Các tổ công nghệ số cộng đồng thành lập 145 nhóm zalo gồm hàng nghìn thành viên là đại diện các hộ gia đình tham gia. Các nhóm zalo là kênh tương tác, trao đổi, tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng về y tế thông minh, dịch vụ công trực tuyến, VneID, VssID cho các hộ gia đình trên địa bàn. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn.
Bên cạch đó, Đoàn thanh niên cơ sở phát huy tuổi trẻ xung phong thực hiện công tác thông tin, truyên truyền trực tiếp đến từng hộ kinh doanh, các gia đình để triển khai hướng dẫn người dân truy cập Cổng thông tin điện tử huyện, xã, ngành, đơn vị để tra cứu thông tin; cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo tài khoản và truy cập cổng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart... để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Chỉ trong thời gian ngắn, toàn huyện xây dựng được 101 mô hình thôn, tổ dân phố, cụm dân cư thông minh. Triển khai lắp đặt mạng Wifi miễn phí tại 101 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố phục vụ việc tra cứu các thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giải trí. Tuyên truyền vận động nhân dân lắp 2.731 camera an ninh và 1.844 đèn năng lượng mặt trời tại các trục đường giao thông, xóm, ngõ trên địa bàn toàn huyện với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Lập mã QR hướng dẫn 05 thủ tục hành chính (Khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) gửi đến các xã, thị trấn niêm yết tại các nhà văn hóa, điểm công cộng và tận các ngõ, xóm trên địa bàn để người dân dễ dàng tiếp cận.


Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả mô hình thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh, tổ công nghệ số cộng đồng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Với những nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở trong xây dựng nông thôn mới thông minh, huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thông tin, tuyên truyền, xây dựng chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn. Nâng cao hiệu quả, vai trò của “Tổ công nghệ số cộng đồng” trong đời sống nhân dân. Phấn đấu năm 2023, xây dựng huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.