TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT

Tấm gương hòa giải ở cơ sở
Publish date 16/10/2024 | 15:24  | Lượt xem: 10

Bà Nguyễn Thị Lợi, sinh năm 1947 tại cụm 02 xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

Bà sinh ra, lớn lên tại cụm 02 đến năm 1967 lấy chồng về cụm 03 xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội và gắn bó với mảnh đất nơi đây gần 60 năm. Bà đã từng tham gia Ban CTMT cụm 14 năm liền, Cụm trưởng cụm dân cư số 03 từ  năm 2010 đến năm 2013 và làm Bí thư chi bộ 03 trực thuộc đảng uỷ xã Tân Lập từ  năm 2013 đến năm 2022. Bà đã làm công tác hoà giải được 26 năm, trong những năm ấy bà luôn được nhân dân tin yêu và quý mến, chính quyền tín nhiệm bởi những đóng góp cho địa phương. 

Bà kể lại những khó khăn trong công tác: Lúc đầu nhận nhiệm vụ và gắn với công tác hoà giải ở cơ sở bản thân bà và các thành viên tổ hoà giải cũng gặp không ít khó khăn trở ngại.

Nhưng với sự tâm huyết, lòng nhiệt tình trong công việc cộng với vốn sống, hiểu biết luật pháp và khả năng thuyết phục "thấu tình, đạt lý", khách quan, công bằng bà đã hoà giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, tránh để bé xé thành to.

Kinh nghiệm hòa giải của bà là, khi có vụ việc phát sinh bà thường chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi bà đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh và thâm nhập quần chúng nhân dân nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết, đặc biệt bà luôn vận dụng những phong tục tập quán của địa phương, những quy ước của thôn xóm, dòng tộc, sau đó tiến hành gặp gỡ từng bên để hoà giải. Bà đã hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp đất đai, vợ chồng mâu thuẫn, hàng xóm xích mích với nhau...vv, có những vụ việc chỉ cần hòa giải một lần là xong, nhưng cũng có trường hợp phải đi lại nhiều lần. Tuy nhiên, không có vụ việc nào, bà Lợi chịu bó tay. Bà luôn coi công việc của tập thể như việc của nhà mình, khi nào xong việc mới yên tâm.

Khi giải quyết những mâu thuẫn xích mích, quan điểm của bà là dùng tình cảm để cảm hoá, tuỳ từng đối tượng khác nhau mà bà có cách xử lý. Về kinh nghiệm sau 26 năm tham gia hoà giải ở cơ sở, bà nói: " Muốn làm tốt công tác hoà giải, hoà giải viên phải tích cực, tận tâm với công việc, phải gương mẫu từ lời ăn tiếng nói, gương mẫu từ trong gia đình đến quan hệ họ hàng, làng xóm". Để hoà giải “thấu tình đạt lý” bà luôn tìm tòi, học hỏi những quy định của pháp luật liên quan đến công tác hoà giải như Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai.... từ sách, báo, đài phát thanh - truyền hình và tủ sách pháp luật. Vì thế, bà tích luỹ được nhiều kiến thức pháp lý cần thiết cho hoạt động hoà giải của mình.

Bằng lòng nhiệt tình, tận tuỵ trong công việc, bà luôn được mọi người dân trong cụm tín nhiệm và tin cậy. Đến nay, tuy đã găn bó với nghiệp “ hòa giải” rất nhiều năm nhưng bà vẫn tâm huyết với công tác hoà giải ở cơ sở. Đối với bà, điều quan trọng nhất là nhân dân trong cụm luôn đoàn kết, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, nhân dân đồng lòng xây dựng cụm dân cư và xã Tân Lập ngày thêm giàu mạnh, văn minh; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên là phần thưởng lớn nhất đối với bà.

Tuy đã được nghỉ công tác năm 2022 do tuổi cao nhưng bà vẫn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ cho tổ hoà giải hiện tại trong các vụ việc cần hoà giải. Bà Nguyễn Thị Lợi là một tấm gương sáng, điển hình trong công tác hoà giải cơ sở, đáng để cho chúng ta học tập, noi theo. Nhờ có những tấm gương sáng như bà Nguyễn Thị Lợi mà công tác hòa giải ở cơ sở của xã Tân Lập nhiều năm liền đã đạt nhiều thành tích và được huyện khen thưởng.

  • Tác giả: Bùi Thị Thạch
  • Địa chỉ: UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội - Số điện thoại: 0969269290