TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT

Tấm gương hòa giải: Nữ hòa giải viên tâm huyết
Publish date 16/10/2024 | 15:20  | Lượt xem: 16

Ở thôn Phan Long, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội không ai là không biết đến bác Ngô Thị Loan, hòa giải viên tổ hòa giải số 6 xã Tân Hội Hội - một người vô cùng nhiệt tình và tâm huyết với công việc hòa giải ở cơ sở.

Đã ngoài 50 tuổi và đang phụ trách một số công tác xã hội trong chi hội phụ nữ, y tế thôn, công tác viên dân số, nhưng khi được bầu làm hòa giải viên, bác Loan rất sẵn lòng đảm nhận công việc. Nhân dân trong thôn thường gọi bác với cái tên trìu mến: Loan “ba đảm đang”.

Mặc dù mới nhận nhiệm vụ hòa giải được gần 3 năm, nhưng bác Loan lại rất “mát tay” trong việc “hóa giải” các mâu thuẫn tại cơ sở, nhất là các mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn về đất đai. Tỷ lệ các vụ hòa giải thành do bác phụ trách lên tới trên 90 %. Bác Loan nói vui chắc tại mình là phụ nữ, dễ ăn nói với các bên. Nhưng ai cũng biết làm công tác hòa giải ở cơ sở không hề đơn giản, ngoài việc có khả năng ăn nói, lý luận, thuyết phục thì còn phải có kiến thức, kiến thức trong cuộc sống lẫn kiến thức pháp luật.

Bác có chia sẻ về một câu chuyện hòa giải mà bác nhớ nhất trong thời gian công tác. Tại cụm dân cư số 6 có gia đình vợ chồng bà Nguyễn Thị Sáu và ông Nguyễn Thế Hùng làm nghề nông. Công việc nhà nông vất vả, nhà lại đông con nên hoàn cảnh cũng khá khó khăn. Ông bà có một mảnh đất thổ cư được nhà nước đền bù khi đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng một số dự án trên địa bàn xã. Để có tiền xây nhà và lo công ăn việc làm ổn định cho các con, ông bà Sáu Hùng bàn nhau bán đất. Những tưởng khi có tiền cuộc sống sẽ sung túc đủ đầy, không còn lo nghĩ nhưng bà Sáu lại thấy đau đầu hơn vì tiền. Vì không còn đất canh tác nên hàng ngày ông Hùng không biết làm gì, lại thường xuyên la cà quán xá, chơi lô đề cờ bạc. Hai đứa con thì đòi bà phải chia tiền bán đất. Bà Sáu buồn chuyện của chồng, chuyện của con, những bữa cơm gia đình trước đây tràn ngập tiếng cười nay trở thành nơi để vợ chồng, bố mẹ, con cái cãi nhau, có khi còn ném bát đũa loảng xoảng. Nhìn thấy tình cảnh gia đình bà Sáu như vậy, bác Loan đã không ngại ngần nhiều lần đến nhà nói chuyện, giải thích, khuyên nhủ các bên. Với cách nói chuyện thấu tình đạt lý của bác Loan, gia đình bà Sáu Hùng đã không còn cảnh cơm không lành, canh không ngọt, chồng con tu chí làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Đối với công việc hòa giải ở cơ sở, bà Loan cho biết không có gì tốt hơn là việc đi sâu đi sát, gần gũi với bà con nhân dân. Việc nắm bắt được tâm tư tình cảm, nguyện vọng của mỗi bên trong một cuộc tranh chấp hay mâu thuẫn sẽ là chìa khóa để hòa giải viên phân tích cho họ cái được cái mất, để họ hiểu, chia sẻ và đồng cảm với nhau, để từ chuyện to hóa bé, chuyện bé thành không có gì. Với phương châm làm việc như vậy mà bác Loan đã góp một phần không nhỏ trong việc gìn giữ tình làng nghĩa xóm và an ninh trật tự của thôn.

Ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết trong từng vụ việc hòa giải, bác Loan còn không ngại học tập nghiên cứu sách pháp luật, các cuốn sổ tay nghiệp vụ hòa giải và tham gia các buổi tập huấn giành cho hòa giải viên. Đối với bác, để trở thành người hòa giải viên tốt, không những cần kỹ năng mà còn cần trang bị cho mình những kiến thức về pháp luật. Bác chia sẻ việc nắm vững kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật vào các vụ việc hòa giải khiến cho người nghe tâm phục khẩu phục, để họ thấy bác nói vừa thấu tình vừa đạt lý, từ đó càng tôn trọng công việc của bác, kết quả hòa giải nhất định sẽ đạt được như mong muốn.

Với tinh thần trách nhiệm và sự tâm huyết đối với công tác hòa giải ở cơ sở như vậy, trong hai năm liên tiếp vừa qua bác Ngô Thị Loan đã được UBND xã và nhân dân thôn Phan Long tặng nhiều giấy khen, trở thành tấm gương hòa giải viên tiêu biểu, xứng danh người phụ nữ đất Đan Phượng “ba đảm đang”.

 

  • Tác giả: Nguyễn Thị Hải Hà
  • Địa chỉ: UBND xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội - Số điện thoại: 0973335085