TIN TỨC SỰ KIỆN NỔI BẬT TIN TỨC SỰ KIỆN NỔI BẬT

Nhận diện nguy cơ xâm hại trẻ em trên không gian mạng
Publish date 14/11/2024 | 16:15  | Lượt xem: 76

Việc tiếp xúc, sử dụng Internet sớm, trong khi chưa được trang bị đầy đủ nhận thức về các mối nguy hại từ môi trường mạng là nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân cho các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, gây tổn hại tâm lý, danh dự...

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có một trẻ em và hơn 175.000 trẻ lên mạng đầu tiên vào mỗi ngày.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em ở Việt Nam thường dành từ 5 - 7 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội.

Nhận diện nguy cơ xâm hại trẻ em trên không gian mạng
Việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng là rất cần thiết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân học sinh,gia đình, nhà trường và toàn xã hội
 

Các đối tượng có thể lợi dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, các ứng dụng hẹn hò, phòng chat “ảo”, game online… để nhắn tin tiếp cận, làm quen. Sau một thời gian trò chuyện, các đối tượng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới tính, tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, hình ảnh khiêu dâm trên mạng và thu thập hình ảnh riêng tư.

Mặt khác, một số đối tượng sau thời gian trò chuyện với các em thì hứa hẹn tình cảm, thậm chí cho vay tiền, tặng quà với mục đích để dễ tiếp cận, gặp gỡ các em ở ngoài thực tế để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục; có trường hợp đối tượng đã dụ dỗ, bán trẻ em sang các nước khác.

Một trong những nguy cơ nữa là các em có thể bị bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục trên môi trường mạng.

Hiện nay, diễn ra phổ biến trên không gian mạng là việc tán phát các hình ảnh, video clip của các em bị bạo lực học đường, làm nhục thậm chí là bị xâm hại tình dục lên mạng để “khoe chiến tích” hoặc thu hút người xem, nhận tương tác.

Mặt khác, do thù ghét cá nhân trong quá trình học tập, một số học sinh đã chế, ghép các thông tin, hình ảnh của bạn sau đó đăng lên mạng xã hội gây tổn hại danh dự, nhân phẩm, tạo các tài khoản, hội, nhóm “anti”, bóc phốt, tẩy chay người khác, thậm chí là cả giáo viên.

Năm 2019, trào lưu thử thách Momo, cá voi xanh nổi lên như một hiện tượng mạng đã thu hút số lượng lớn người tham gia đã gây ra những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ em.

Một số đối tượng thông qua không gian mạng kêu gọi các em tụ tập sử dụng xe mô tô, xe gắn máy lạng lách, đánh võng hoặc cổ súy cho hành vi đua xe, gây rối trật tự công cộng.

Bên cạnh đó, các đối tượng kêu gọi các em sử dụng các hung khí nguy hiểm sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay là nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư, sử dụng trái phép thông tin cá nhân vào mục đích vi phạm pháp luật và bị chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Quá trình hoạt động trên không gian mạng, trẻ em do tính cách thích thể hiện, đã đăng tải, chia sẻ các thông tin cá nhân, trong đó nhiều thông tin cá nhân hoặc hoàn cảnh gia đình. Do đó, các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo các em từ 14 tuổi đã được cấp CCCD tham gia lập tài khoản ngân hàng, sau đó bán lại cho các đối tượng kiếm lời.

Thời gian gần đây, các loại tội phạm có sự chuyển dịch mạnh mẽ trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhắm vào đối tượng là trẻ em để chiếm đoạt tài sản, chủ yếu các phương thức như “mua, bán vật phẩm game online”; “cho, tặng điện thoại, máy tính để phục vụ học tập”…

Việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng là rất cần thiết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trẻ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn để bảo vệ bản thân.

Phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm hơn khi các em tiếp xúc với môi trường mạng internet; không để trẻ dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử lên mạng ngoài giờ học.

Các bậc cha mẹ hãy học và chơi cùng con trên mạng internet; chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng, phụ huynh nên trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Nhà trường cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe lồng ghép vào các giờ sinh hoạt chủ nhiệm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường mạng, kỹ năng cơ bản khi sử dụng internet cho trẻ.

Về phía xã hội, cần phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm.