TIN TỨC SỰ KIỆN NỔI BẬT TIN TỨC SỰ KIỆN NỔI BẬT

Nghề làm Diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được công nhận danh hiệu là nghề truyền thống
Publish date 13/06/2024 | 13:57  | Lượt xem: 96

Nghề làm diều sáo ở Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng  có lịch sử hàng nghìn năm tuổi. Nghề làm diều cùng thú chơi thả diều nơi đây gắn liền với truyền thuyết về tướng quân Nguyễn Cả và ngôi miếu Châu Trần. Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội vừa ký Quyết định số 2982/QĐ-UBND về việc Công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Nghề truyền thống Hà Nội.” trong đó Nghề làm Diều sáo Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được công nhận danh hiệu là nghề truyền thống.

Các nghệ nhân Làng Bá Dương Nội làm diều sáo

Diều làng Bá Dương Nội là diều truyền thống không có đuôi và tất cả đều là diều sáo. Ở đây có 3 loại cánh diều đặc biệt. Diều cánh muỗm là loại cánh diều dài to, nhọn, hơi cong; Diều cánh chanh có cánh bầu hình như lá chanh, loại này bay cao hơn diều cánh muỗm và diều cánh mộc, tức là cánh rộng, đầu cánh tròn, diều này đèo ít sáo nhưng lại bay rất cao, nhưng điều khiển diều này lại rất khó.

Để làm một con diều phải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn tre để làm khung diều. Muốn có bộ khung cứng, dẻo, bền mà không nặng phải chọn tre già, tre gai mọc ở đồng bằng và phải chặt vào mùa đông, phơi khô, rồi gác trên gác bếp cho đanh lại.

Giấy làm diều xưa thường là giấy dó. Chất kết dính là nhựa quả cây cậy. Loại quả này đem giã nhỏ, hòa với nước, chắt bỏ bã, mang loại nước sền sệt như nước vo gạo đem phết lên giấy bản khi khô, giấy chuyển sang màu nâu, cứng chắc và không thấm nước.

Để diều có thể bay cao, bay xa trên bầu trời, việc làm dây diều cũng là cả một nghệ thuật. Xưa kia dây diều thường được tuốt từ tre. Vào khoảng tháng 3 âm lịch, người dân làng Bá Dương Nội chặt những cây tre non thân vẫn còn bám lớp phấn trắng rồi đem chẻ thành sợi mỏng sau đó cho vào luộc khoảng 6-7 tiếng với muối và hạt quả thầu dầu rồi vớt ra, nối lại với nhau. Loại dây diều này dẻo và dai. Khi gặp gió dây căng và nhẹ.

Các công đoạn từ chuẩn bị vật liệu làm khung diều, giấy dó, cho đến kỹ thuật để ghép thành một con diều cùng với bộ dây diều đúng chuẩn cho thấy để làm được một con diều quả là cả một sự kỳ công.

 Ngày nay, khi cuộc sống có nhiều thay đổi, những chất liệu làm diều dần được thay thế. Khung diều có thể được làm bằng thép nhẹ, áo diều có khi làm bằng giấy hoặc vải, dây diều được thay bằng dây dù...

Ngoài kỹ thuật làm diều, người làng Bá Dương Nội còn có tài làm sáo diều với nhiều loại sáo như: sáo một, sao đôi, sáo 7, sáo 12. Sáo thường được làm từ tre già, mặt sáo thường làm bằng gỗ vàng tâm, gỗ dổi hoặc gỗ mít. Một bộ sáo kêu hay là phải kêu rõ tiếng, tiếng kêu trong, vang và hồi nhịp, cảm giác như tạo ra một bản giao hưởng trên không, du dương, trầm bổng, tùy theo sự kết hợp của từng cặp sáo... Tiếng sáo diều chính là sự kết tinh của đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn của người nghệ nhân chế tác sáo.

Lễ hội Diều làng Bá Dương Nội được tổ chức hàng năm

Ngày nay, với sự phát triển của nhiều hình thức giải trí nhưng thú chơi diều vẫn giữ được vị trí trong lòng người dân và nghề truyền thống làm diều sẽ được bảo tồn, phát huy.