TIN TỨC-SỰ KIỆN
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đan Phượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đáng chú ý, nhiều năm liền tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu đều bằng không. Kết quả này đã cho thấy hiệu quả nguồn vốn tín dụng sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến hết tháng 5/2024, tổng nguồn vốn Phòng giao dịch NHCSXH huyện quản lý là hơn 535 tỷ đồng, tăng trên 62 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và tăng hơn 360 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Đến nay, tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện tại NHCSXH đạt hơn 522 tỷ đồng với 9.483 khách hàng vay vốn, tăng hơn 63 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và tăng hơn 358 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Nguồn vốn chủ yếu tập trung cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hộ gia đình xây dựng, cải tạo mới công trình nước sạch vệ sinh môi trường đạt chuẩn Quốc gia, ngoài các đối tượng trên thì hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên… là các đối tượng được quan tâm, hỗ trợ về tín dụng chính sách, góp phần trong công tác giảm nghèo, chống tái nghèo tại địa phương.
Đặc biệt, trước tình trạng “tín dụng đen” len lỏi vào đời sống người dân, nhất là vùng nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, làm mất ổn định trật tự xã hội trên địa bàn, NHCSXH cũng đã có hàng loạt giải pháp mở rộng khả năng đáp ứng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: Nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với các chương trình cho hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.… Cách làm này đã góp phần đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”. Năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,11% trên tổng dư nợ; từ cuối năm 2017 đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn luôn được duy trì là 0% giảm 0,11% so năm 2014.
Để tăng cường khả năng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người vay, PGD NHCSXH huyện đã tổ chức giao dịch tại các xã, thị trấn tối thiểu một tháng một lần vào ngày cố định trong tháng (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật). Điểm giao dịch xã công khai các văn bản về tín dụng chính sách của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, của NHCSXH Trung ương và của UBND tỉnh, danh sách các hộ vay… để nhân dân, chính quyền địa phương biết, giám sát và thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 16 Điểm giao dịch xã hoạt động tại 16 xã, thị trấn. Việc phục vụ nhân dân tại xã là một phương thức hoạt động đặc thù riêng của NHCSXH, đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong các cuộc họp giao ban hàng tháng với NHCSXH, các Hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Điểm giao dịch, Chủ tịch UBND xã tham gia đầy đủ để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho hoạt động của tổ giao dịch lưu động an toàn, hiệu quả. Nhờ đó, các đối tượng được vay vốn một cách thuận lợi ngay tại xã, nơi họ đang cư trú.
Kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Vốn tín dụng chính sách đã phát huy vai trò, hiệu quả, trở thành một trong những chính sách quan trọng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn.