TIN TỨC SỰ KIỆN NỔI BẬT
Ngày 16/1, Trung tâm Phục vụ hành chính công ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTPVHCC triển khai thí điểm mô hình Đại lý Dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, việc xây dựng và mở rộng mạng lưới dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục hành chính (TTHC) nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Mục tiêu là đến năm 2025, 80% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, theo định hướng của Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho phép các doanh nghiệp đảm nhận vai trò hỗ trợ, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện TTHC trên nền tảng điện tử. Từ đó thúc đẩy chuyển đổi số góp phần xây dựng chính quyền số, giảm tải công việc cho các cơ quan hành chính và cải thiện sự hài lòng của người dân.
Về yêu cầu đối với mô hình thí điểm cần đảm bảo dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp phải đạt tiêu chuẩn cao, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Duy trì sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan có thẩm quyền.
Các quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ phải công khai, minh bạch, chính xác. Dữ liệu được bảo mật tuyệt đối, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để giải quyết TTHC nhanh chóng và thuận tiện.
Cùng với đó là ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo kết nối thông suốt với các hệ thống thông tin của nhà nước. Đảm bảo tính an toàn, bảo mật thông tin cho người dân và doanh nghiệp.
Mô hình Đại lý Dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, mà còn góp phần giảm tải áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước.
Thúc đẩy văn hóa sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo sự minh bạch trong giải quyết các vấn đề hành chính. Ngoài ra còn tăng cường kết nối giữa chính quyền và người dân, khẳng định vai trò tiên phong của Hà Nội trong chuyển đổi số quốc gia.
Với kế hoạch triển khai bài bản, Hà Nội đang đặt nền móng vững chắc cho mô hình chính quyền số toàn diện. Đây không chỉ là giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công mà còn là cơ hội để người dân trải nghiệm những tiện ích từ công nghệ số, góp phần đưa Thủ đô trở thành hình mẫu trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Lộ trình triển khai mô hình Đại lý Dịch vụ công trực tuyến sẽ chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (1/2/2025 đến 31/3/2025), trung tâm sẽ phối hợp với các doanh nghiệp được phê duyệt nhằm tổ chức và tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về việc thí điểm mô hình tại 30 điểm đáp ứng tiêu chí của Đại lý Dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến tại 30 điểm Đại lý Dịch vụ công trực tuyến thí điểm.
Sang đến giai đoạn 2 (từ 1/4/2025 trở đi), căn cứ kết quả giám sát, đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến của 30 điểm thí điểm trong giai đoạn 1. Từ đó nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và tiếp tục nhân rộng mô hình Đại lý Dịch vụ công trực tuyến trên toàn địa bàn thành phố.
Cũng trong ngày 16/1, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố phê duyệt thí điểm mô hình Đại lý Dịch vụ công tại: 10 Bưu cục của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; 12 Bưu cục của Tổng Công ty Bưu chính Viettel; và 10 cửa hàng FPT Shop của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT.
Bên cạnh đó, các đơn vị được phê duyệt thí điểm phải có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện, cơ sở hạ tầng và nhân sự đáp ứng tiêu chí của mô hình Đại lý Dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố trong việc triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các điểm được phê duyệt.