KINH TẾ - CHÍNH TRỊ
Để duy trì thực hiện tín dụng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đan Phượng, ngay từ đầu năm 2024, Hội LHPN huyện đã tăng cường phối hợp cùng Ngân hàng CSXH huyện đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ủy thác đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tạo cho hội viên tiếp cận nguồn vốn kịp thời để đầu tư phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống.
Đến nay, có 16/16 Hội phụ nữ cấp xã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện. Thông qua 6 chương trình tín dụng và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn có 110 tổ, Hội Phụ nữ huyện quản lý dư nợ là 266,7 tỷ đồng với hơn 4.500 hộ vay vốn, bình quân vay 58,2 triệu đồng/hộ, dư nợ tăng hơn 61 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tỷ lệ tăng trưởng 29% so với năm 2023).
Các chương trình quản lý nguồn vốn dư nợ lớn như: cho vay Giải quyết việc làm 207,8 tỷ đồng với 3.731 lao động được vay vốn; cho vay cấp nước sạch vệ sinh môi trường 53,5 tỷ đồng với 2.634 hộ vay vốn, còn lại là các chương trình tín dụng khác. Một số Hội LHPN xã quản lý nguồn vốn tương đối lớn như: Hội LHPN xã Phương Đình quản lý 25,8 tỷ đồng với 475 hộ vay vốn; Hội LHPN xã Trung Châu quản lý 21,7 tỷ đồng với 367 hộ vay vốn; Hội LHPN xã Hạ Mỗ quản lý 18,8 tỷ đồng với 318 hộ vay vốn.
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Đan Phượng sẽ tiếp tục bám sát các nội dung, nhiệm vụ ủy thác để phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện đẩy mạnh giải ngân cho vay, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng vào công tác kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của các hộ vay; không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng; chú trọng xây dựng các mô hình điển hình hội viên phụ nữ phát huy tốt hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn huyện, tạo sức lan tỏa đến các tầng lớp hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Việc sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn vay của Hội LHPN huyện Đan Phượng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có tác động mạnh mẽ, thiết thực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho chị em phụ nữ và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới./.