GIỚI THIỆU CHUNG
Huyện Đan Phượng được biết đến là một vùng đất "địa linh nhân kiệt", một địa bàn chiến lược quan trọng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhân dân Đan Phượng có truyền thống đoàn kết, hiếu học, lao động cần cù sáng tạo, giàu tình yêu quê hương đất nước và ý chí kiên cường cách mạng. Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh quê hương, đất nước.
Thông tin chung
- Đơn vị: Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đan Phượng
- Địa chỉ: số 105 Phố Tây Sơn, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 33886384; Email: vanthu_danphuong@hanoi.gov.vn
- Diện tích: 77,35 km2.
- Huyện có 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm Thị trấn Phùng và 15 xã là: Đan Phượng, Đồng Tháp, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hà, Liên Hồng, Liên Trung, Phương Đình, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập, Thọ An, Thọ Xuân, Thượng Mỗ, Trung Châu.
- Về địa lý, Đan Phượng là một huyện nhỏ của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Tây Bắc trung tâm thành phố Hà Nội, tại khoảng giữa của trục đường Quốc lộ 32 từ trung tâm Hà Nội đi Sơn Tây. Phía Đông giáp quận Bắc Từ Liêm, phía Bắc giáp huyện Mê Linh có dòng sông Hồng cắt ngang làm ranh giới, phía Tây giáp huyện Phúc Thọ, phía Nam giáp huyện Hoài Đức.
Lịch sử hình thành và phát triển
Đan Phượng là một vùng đất cổ, căn cứ kết quả khảo cổ học các di chỉ ở Bá Nội, xã Hồng Hà và Ngọc Kiệu, xã Tân Lập cho thấy mảnh đất Đan Phượng đã có vào giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên (đầu thời đại đồ đồng) cách ngày nay khoảng 3.500 năm đến 4.000 năm. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, tên huyện có từ thể kỷ XIII (thời vua Trần Thái Tông - 1246); đến thời thuộc Minh có tên là Đan Sơn, thuộc châu Từ Liêm, phủ Giao Châu. Sang thời Hậu Lê, Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1831, vua Minh Mạng điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập các tỉnh mới. Huyện được tách ra thành huyện riêng vào năm 1832 vẫn thuộc phủ Quốc Oai. Đến năm 1888, sau khi vua Đồng Khánh cắt Hà Nội cho Pháp, huyện Đan Phựợng được nhập về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.
Sau cách mạng tháng Tám (1945), cấp phủ bị bãi bỏ, nên từ tháng 8/1945 đến tháng 3/1947, huyện Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Đông.
Từ tháng 3/1947, 4 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai và thị xã Hà Đông được cắt chuyển về thành phố Hà Nội theo quyết định của Khu II (Khi sự kiện 19/12/1946 nổ ra, Mặt trận Hà Nội được sát nhập vào Khu II. Từ ngày 01/11/1948, Khu 2 đặt quyền trực thuộc của Liên khu 3, nhưng đến tháng 5/1949 thì khu Hà Nội lại được tách ra để thành lập Mặt trận Hà Nội độc lập, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Tình trạng này được duy trì cho đến sau năm 1954, khi đấy gọi là Khu Hà Nội).
Từ ngày 12/3/1947 đến tháng 5/1948, huyện Đan Phượng được gộp vào liên quận huyện IV - Hoài Đức và Đan Phượng (theo công văn số: 038/KCT, ngày 13/3/1947, UBK - Khu XI của Bộ chỉ huy Chiến khu XI). Tháng 5/1947, Trung ương quyết định tách 3 tỉnh Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây ra khỏi Khu II, thành lập Khu XI.
Tháng 5/1948 đến tháng 10/1948, Khu XI được Trung ương quyết định giải thể Khu XI và thành lập tỉnh Lưỡng Hà (Hà Đông - Hà Nội) thuộc Liên khu III. Lúc này, liên quận huyện IV - Hoài Đức và Đan Phượng được tách ra thành huyện Liên Bắc. Đan Phượng thuộc huyện Liên Bắc, tỉnh Lưỡng Hà.
Từ tháng 10/1948 đến tháng 3/1954: Khu ủy III tách Lưỡng Hà thành 2 tỉnh: Hà Đông, Hà Nội, do đó, Đan Phượng thuộc huyện Liên Bắc tỉnh Hà Đông. Tháng 12/1952, phần lớn địa bàn Đan Phượng thuộc bắc Liên Bắc do Ban cán sự bắc Liên Bắc nắm, ranh giới là đường quốc lộ 11A (32) để việc chỉ đạo phong trào kháng chiến được sâu sát, kịp thời hơn.
Tháng 4/1954, huyện Đan Phượng được tái lập và thuộc tỉnh Sơn Tây quản lý theo quyết định của Liên khu ủy III. Tháng 8/1954, huyện Đan Phượng được Liên khu ủy III cắt chuyển trả lại cho tỉnh Hà Đông.
Ngày 20/4/1961, Quốc hội ban hành Nghị Quyết về việc mở rộng thành phố Hà Nội, theo đó 5 xã (Tân Dân, Tân Tiến, Trung Kiên, Minh Khai, Trần Phú) của huyện Đan Phượng được cắt chuyển thuộc tỉnh Hà Đông.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định 103-NQ-TVQH về việc phê chuẩn việc thành lập các tỉnh Bắc Thái, Nam Hà, Hà Tây và việc sáp nhập xã An Hòa thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (cũ) vào xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Theo đó, hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Tây. Huyện Đan Phượng thuộc quyền quản lý của tỉnh Hà Tây.
Theo Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc hợp nhất một số tỉnh được ban hành ngày 27/12/1975, hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình. Khi đó, huyện Đan Phượng là một trong đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai. Theo Nghị quyết, huyện Đan Phượng được cắt chuyển về thành phố Hà Nội quản lý.
Ngày 12/8/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh, lấy trên là tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Tây. Theo đó, chuyển huyện Đan Phượng của thành phố Hà Nội về tỉnh Hà Tây.
Ngày 29/8/1994, thành lập thị trấn Phùng, gồm phần đất của các xã Đan Phượng, Đồng Tháp và Song Phượng.
Đan Phượng trải qua rất nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, khi thuộc về Hà Sơn Bình, lúc thuộc về tỉnh Hà Tây… đến ngày 01/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết 15-NQ/QH của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12, ngày 29/5/2008. Theo đó, huyện Đan Phượng thuộc thành phố Hà Nội quản lý và giữ ổn định cho đến ngày nay.
Văn hóa và di tích lịch sử
Đan Phượng là huyện ngoại thành ở phía Tây của thủ đô Hà Nội, được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa; nơi đây, đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như chèo tàu, ca trù, thả diều, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc và đa dạng, hầu hết mỗi làng, thôn đều có sự tồn tại của những ngôi chùa, đình, quán, miếu.
Theo số liệu thống kê, huyện Đan Phượng có 155 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, 38 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 33 di tích xếp hạng cấp Thành phố; một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI) như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác ở Hạ Mỗ; di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê ở Đan Phượng… Đây chính là niềm, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn của của nhân dân và cán bộ huyện Đan Phượng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản đó.
Lễ hội hát Chèo tàu
Nói đến Đan Phượng, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc tới hát Chèo tàu. Đây là một loại hình nghệ thuật truyền thống có nguồn gốc từ lâu đời và phát triển rực rỡ ở thế kỷ XVII và XVIII. Hình thức diễn xướng của hát Chèo tàu rất độc đáo, chỉ có phụ nữ tham gia biểu diễn (nếu là đàn ông phải cải trang thành nữ) vừa hát vừa biểu diễn các động tác bơi chèo trên mô hình thuyền rồng. Trước đây, hội hát Chèo tàu 30 năm mới được mở một lần để tưởng nhớ tướng công Văn Dĩ Thành, người có công đánh giặc vào thời vua Trùng Quang. Ngày nay, từ 5-7 năm, hội hát được mở một lần vào ngày 15 đến 20 tháng giêng Âm lịch tại Lăng Văn Sơn, làng Thượng Hội, xã Tân Hội.
Trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Đan Phượng không ngừng phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển toàn diện, bền vững, với ý chí và quyết tâm xây dựng trở thành huyện: Giàu mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, phát triển văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.